• dichvuluat

Cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nhằm giúp cho Quý khách hàng hiểu rõ hơn về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật Trí tâm xin giới thiệu cấu thành tội lừa  đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành.
 
Theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
 
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
 
a) Có tổ chức;
 
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
 
c) Tái phạm nguy hiểm;
 
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
 
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
 
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
 
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; 
 
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
 
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
 
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi vi phạm  phải đáp ứng các yếu tố: “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Cụ thể hơn, 4 yếu tố cấu thành tội phạm (Khách thể của tội phạm; Chủ thể của tội pham; Mặt khách quan của tội phạm; Mặt chủ quan của tội phạm) được thể hiện như sau:
 
1. Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
 
2. Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
 
3. Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.
 
a. Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:
 
- Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
 
- Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối
 
Lưu ý: thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Cấu thành tội chiếm đoạt tài sản
 
- Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.
 
Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu là: (1) Người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn) … ; (2) Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Thỏa mãn 2 yếu tố này mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
b. Dấu hiệu khác
 
Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên
 
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
 
4. Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
 
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định
 
Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng ( như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản)


Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM

Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488 
Email: luattritam1@gmail.com

      

Gửi liên hệ cho chúng tôi