• dichvuluat

Điều kiện để được được hưởng án treo

Khi một vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử bị cáo và gia đình bị cáo thường mong muốn bị cáo được Hội đồng xét xử cho được hưởng án treo. Luật Trí Tâm xin giới thiệu về điều kiện để bị cáo  được hưởng án treo để Quý khách hàng hiểu rõ.
I. Án treo là gì?
Án treo là một chế định đặc biệt về chấp hành hình phạt tù và được quy định cụ thể tại Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Nghị quyết số01/2007/NQ-HĐTP của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao. Tại điều 60 bộ Luật hình sự quy định:
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Điều kiện để được hưởng án treo
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Tòa án có thể rút ngắn thời gian thử thách.
5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.
Theo quy định của pháp luật thì án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về bản chất pháp lý, người bị Tòa án tuyên án treo vẫn là người có tội, có án, nhưng được miễn thực hiện bản án đó có điều kiện.
II. Điều kiện để được hưởng án treo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến 5 năm”.
Theo tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết Số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 (Nghị quyết 01), để được hưởng án treo, người phạm tội phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Bị xử phạt tù không quá 3 năm, không phân biệt về tội gì;
Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 3 năm tù thì cũng có thể cho hưởng án treo.
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
- Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Lưu ý, đối với người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù (tiểu mục 6.2 Nghị quyết 01). Trong trường hợp người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì trong mọi trường hợp Toà án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới (tiểu mục 6.3 Nghị quyết 01).
Nếu bị cáo được Tòa án tuyên cho hưởng án treo thì có các quyền được quy định tại Điều 60 BLHS, tiểu mục 6.6, 6.7 và 6.8 Nghị quyết 01 và Điều 5, Điều 6 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 như sau:
- Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ của cán bộ, công chức, quân nhân, người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm.
- Người được hưởng án treo là người đang học tập tại cơ sở giáo dục, đào tạo, nếu được tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục, đào tạo cũ thì được hưởng các quyền lợi theo quy chế của cơ sở giáo dục, đào tạo đó.
- Người được hưởng án treo không thuộc các đối tượng trên thì được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục, giúp đỡ tìm việc làm, ổn định cuộc sống tại địa phương.
- Người được hưởng án treo thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng hoặc người đang được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
- Người được hưởng án treo nếu có nhiều tiến bộ thì có thể được rút ngắn thời gian thử thách sau khi đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách. Đồng thời, người được hưởng án treo có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư.
- Người được hưởng án treo có thể được miễn chấp hành thời gian thử thách còn lại nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo với điều kiện đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập; được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giám sát, giáo dục đề nghị bằng văn bản xem xét rút ngắn thời gian thử thách.


Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM

Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488 
Email: luattritam1@gmail.com

      

Gửi liên hệ cho chúng tôi