• dichvuluat

Một số điểm mới của Luật hôn nhân gia đình năm 2014

Luật hôn nhân gia đình 2014 đã chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2015. Theo đó có bổ sung thêm một số điểm mới sau:
1.Không cấm kết hôn đồng giới
Về hôn nhân đồng giới, luật HNGĐ 2000 quy định cấm kết hôn đồng giới, và vì cấm nên đi kèm sẽ có chế tài, xử phạt. Nay, theo luật mới, từ 1/1/2015, Luật HNGĐ 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính-Khoản 2 Điều 8”.
Theo quy định luật hôn nhân gia đình 2014, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đây cũng được coi là một bước tiến trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay. 
Điểm mới của luật hôn nhân và gia đình
2. Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình
Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó, Điều 7 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chính phủ sẽ có Nghị định nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định “vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình, mà phải áp dụng các phong tục tập quán.  
3. Thêm đối tượng yêu cầu giải quyết ly hôn:
Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có những điểm mới đáng chú ý như: Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn.
Thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1/1/2015, cha, mẹ, người  thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.
4. Nâng độ tuổi kết hôn:
Về độ tuổi kết hôn, nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước qua tuổi 18 như quy định tại Luật hôn nhân gia đình 2000.
“Luật mới quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên đối nữ và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Sở dĩ có việc thay đổi này là vì nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 thì quy định này là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.  Đó là, theo Bộ luật Dân sự người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý…
Còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.
6. Công việc nội trợ được coi như lao động có thu nhập:
Điểm mới đáng lưu ý trong luật sửa đổi lần này là những quy định về giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Điểm khác biệt so Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành là luật mới đã quy định rõ công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.
7. Tài sản của vợ chồng
Khi kết hôn: Quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng. Luật hiện hành chủ yếu đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định cụ thể: Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Quy định này sẽ làm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.
Được thỏa thuận về tài sản khi ly hôn: Cụ thể, về tài sản chung của vợ chồng, theo luật thì đó là tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng, cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Đối với quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng, cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. Luật cũng quy định rõ, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận, thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.
8. Nghĩa vụ đối với con khi ly hôn
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên), thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Quy định “về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Ngoài ra, Luật mới cũng có một số điểm mới như: Bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; quy định về con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được luật hóa. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định..
Với những điểm đổi mới như trên, hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 sẽ giải quyết được những quan hệ phức tạp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bền vững và hạnh phúc.


Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM

Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488 
Email: luattritam1@gmail.com

      

Gửi liên hệ cho chúng tôi