Hiện tại nhu cầu vay vốn ngân hàng để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của hộ gia đình là phổ biến. Tuy nhiên kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề liên quan đến tư cách chủ thể khi tham gia ký kết loại hợp đồng này. Theo quy định của pháp luật khi hộ gia đình vay Ngân hàng thì những thành viên trong gia đình từ độ tuổi bao nhiêu sẽ có quyền ký hợp đồng vay nợ Ngân hàng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định được coi là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự. Theo quy định tại Ðiều 107 Bộ luật Dân sự thì đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ là chủ hộ (Chủ hộ có thể là cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên trong gia đình). Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. Theo quy định này thì khi hộ gia đình vay vốn Ngân hàng thì chủ hộ (với tư cách là người đại diện theo pháp luật của hộ gia đình) hoặc người được chủ hộ ủy quyền có quyền thay mặt hộ gia đình ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Khi đó, tất cả các thành viên trong hộ gia đình có phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình đã xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.
Về việc thế chấp tài sản của hộ gia đình: Điều 109 Bộ luật Dân sự quy định các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. Như vậy, khi hộ gia đình thế chấp tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn (như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình...) để đảm bảo nghĩa vụ dân sự tại Ngân hàng thì các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên có quyền lập và ký kết hợp đồng thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, khi các bên (Ngân hàng và chủ thể hộ gia đình) yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản tại tổ chức công chứng thì các tổ chức công chứng không những yêu cầu những thành viên trên mười lăm tuổi của hộ gia đình ký vào hợp đồng mà còn yêu cầu phải có sự tham gia của người đại diện cho những thành viên dưới mười lăm tuổi. Đây là biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các thành viên của hộ gia đình trong việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM
Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488
Email: luattritam1@gmail.com