• dichvuluat

Một số vấn đề về quyền của người để lại tài sản thừa kế

Đối với cá nhân người để lại tài sản, với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình, cá nhân có quyền lập di chúc để thực hiện quyền định đoạt tài sản của bản thân. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ trước khi chết.
Theo quy định tại Điều 648 Bộ luật dân sự thì, người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Mot so van de ve quyen cua nguoi de lai tai san thua ke
Ngoài ra, tại Điều 662 BLDS còn quy định, người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc.
1. Chỉ định người thừa kế
Người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Họ có thể là con, cha, mẹ, vợ, chồng… của người thuộc diện thừa kế theo luật dựa trên các quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ huyết thống; và cũng có thể là những người khác như Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội,…
2.  Truất quyền hưởng di sản
Quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc họ có thể truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật, mà không nhất thiết phải nêu lý do. Người lập di chúc có thể chỉ định một hay nhiều người thừa kế theo luật không được hưởng di sản thừa kế của mình.
Tuy nhiên, do pháp luật không quy định cụ thể như thế nào là “truất” nên hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, người bị truất quyền hưởng di sản là trường hợp người lập di chúc thể hiện rõ ràng trong di chúc rằng một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật không có quyền hưởng di sản. Trong trường hợp này, nếu di chúc bị vô hiệu toàn bộ, thì tư cách người thừa kế theo luật của những người nói trên không ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp di chúc có hiệu lực toàn bộ hoặc có một phần vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc truất quyền hưởng di sản thì tư cách người thừa kế theo luật của họ đương nhiên bị mất. Do vậy, nếu có phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực, được chia theo pháp luật thì người đó vẫn không được hưởng. Quan điểm khác cho rằng, người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nhưng không được người lập di chúc chỉ định hưởng tài sản. Khi đó người thừa kế không được chỉ định trở thành người bị truất quyền hưởng di sản. Trong trường hợp này, nếu có phần tài sản nào đó không được định đoạt trong di chúc, được chia theo pháp luật thì họ vẫn sẽ được hưởng, vì họ là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, quyền thừa kế của họ có được là do luật định.
3.  Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế
Người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể di sản của mình cho người thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia di sản cho mỗi người không nhất thiết phải ngang nhau mà không cần phải nêu lý do. Người lập di chúc cũng có thể chỉ định nhiều người thừa kế và di sản được chia đều cho những người có tên trong di chúc. Nếu những người này có sự thỏa thuận về việc hưởng di sản thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo sự thỏa thuận đó. Người lập di chúc cũng có thể phân định di sản theo tỷ lệ mà không xác định rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng và mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản theo tỷ lệ đã được xác định trên tổng giá trị khối tài sản đang còn vào thời điểm phân chia. Hoặc người lập di chúc có thể phân định rõ trong di chúc người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì; khi di sản được phân chia, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc
4. Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Theo sự chỉ định trong di chúc, người thừa kế phải thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện như trả nợ, bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản. Trong trường hợp người để lại di sản có để lại một nghĩa vụ về tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó thì theo quy định của pháp luật, ai hưởng thừa kế thì người đó phải thực hiện. Tuy nhiên, người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế. Nếu người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Phần nghĩa vụ vượt quá di sản người này được hưởng sẽ chia đều cho những người thừa kế khác thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận.
5. Người lập di chúc có quyền dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng và để di tặng
Người lập di chúc có thể để lại một phần di sản vào việc thờ cúng hoặc để di tặng cho người khác. Phần di sản dùng vào việc di tặng, thờ cúng không được chia thừa kế. Hiệu lực của việc di tặng về nguyên tắc, được xác định theo hiệu lực của di chúc. Nghĩa là việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết và người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Người nhận tài sản di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người chết, pháp luật cũng quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này” (khoản 2 Điều 671 BLDS) và “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng””(khoản 2 Điều 670 BLDS).
Pháp luật quy định người để lại di sản thừa kế có quyền dành một phần di sản của mình để di tặng là hoàn toàn hợp lý. Theo quy định về di tặng thì, người được di tặng có nhiều ưu tiên hơn người được thừa kế thông thường vì khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản, thì người được di tặng chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi toàn bộ di sản của người lập di chúc không đủ để thanh toán các khoản nợ của họ. Tuy vậy, khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này, còn tồn tại nhiều vướng mắc, cụ thể: Xét về bản chất, người được di tặng là người được hưởng một phần di sản theo di chúc. Như vậy, có áp dụng Điều 643 BLDS quy định về “người không được quyền hưởng di sản” đối với người nhận di tặng hay không?. Trường hợp người lập di chúc có cha mẹ già, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, nhưng lại lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình để di tặng cho một người khác thì Tòa án có tuyên bố di chúc đó vô hiệu được hay không?
Vấn đề để lại di sản dùng vào việc thờ cúng cũng gặp vướng mắc tương tự. Di sản này cũng được hưởng ưu tiên khi thực hiện nghĩa vụ và không bị đem ra chia thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật không quy định rõ phần di sản dùng vào việc thờ cúng của người để lại di sản tối đa là bao nhiêu. Do vậy, trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng quá lớn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế. Trong thời gian tới, pháp luật dân sự cần quy định cụ thể về phần di sản được dùng vào việc thờ cúng và di tặng để tránh những vướng mắc nêu trên.
6.  Quyền sửa đổi, bổ sung thay thế, hủy bỏ di chúc
Sửa đổi di chúc: là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình làm thay đổi một phần di chúc đã lập. Những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực; phần di chúc đã bị sửa đổi sẽ không còn hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.
Bổ sung di chúc: là việc người lập di chúc bổ sung thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến nhằm làm cho di chúc cụ thể, chi tiết hơn, rõ hơn. Khi người lập di chúc bổ sung di chúc thì cả di chúc đã lập và cả phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau. Trường hợp di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. BLDS không quy định điều kiện về hình thức của việc sửa đổi, bổ sung di chúc. Tuy nhiên, để tránh việc tẩy xóa, thêm bớt vào di chúc làm giảm tính chính xác và xác thực của di chúc pháp luật cần quy định việc sửa đổi bổ sung di chúc phải được thể hiện bằng văn bản riêng biệt kèm theo di chúc đã lập.
Thay thế di chúc: Thay thế di chúc là việc một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu họ thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp) thì có quyền lập một di chúc khác để thay di chúc đã lập trước. Khoản 3 Điều 662 BLDS quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.
Hủy bỏ di chúc: là người đã lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình truất bãi di chúc đã lập. Khoản 3 Điểu 662 BLDS 2005 xác định một trường hợp được coi là hủy bỏ di chúc: khi người lập di chúc thay thế di chúc đã lập. Tuy nhiên, thực tế việc hủy bỏ di chúc còn có thể được người lập di chúc thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ: hủy bỏ di chúc trong trường hợp thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc mà người đó đã lập ra; hoặc khi người lập di chúc tuyên bố trước mọi người về việc phế truất di chúc đã lập hay viết vào bản di chúc là không thừa nhận di chúc đó nữa. BLDS không quy định về hình thức hủy bỏ di chúc, tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, dù thực hiện bằng cách nào chăng nữa, nhưng nếu đó là ý chí tự nguyện của người lập di chúc thì đều được coi là hủy bỏ di chúc.
7.  Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Để tránh việc thất lạc, hư hỏng di chúc, cũng như để đảm bảo ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, người lập di chúc có thể gửi di chúc ở cơ quan công chứng nhà nước hoặc bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Đồng thời, để di sản của người lập di chúc để lại không bị mất mát, hư hỏng cần có người quản lý di sản. Tôn trọng ý chí của người lập di chúc nên trước hết người quản lý di sản phải là người được chỉ định trong di chúc, khi nào trong di chúc không xác định người quản lý di sản thì sẽ xác định người quản lý di sản theo một trong các trường hợp sau:
- Là người được những người thừa kế cùng thỏa thuận cử ra để quản lý di sản trong thời gian di sản chưa được chia.
- Người đang chiếm giữ, quản lý di sản là người quản lý di sản trong thời gian những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản mới.
- Người đang chiếm giữ, sử dụng di sản thừa kế theo hợp đồng mà họ đã ký kết với người để lại di sản là người quản lý di sản cho đến khi hết hạn hợp đồng.
- Di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khi chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý.
Người được chỉ định quản lý di sản trong di chúc có thể là một trong những người thừa kế theo luật của người đó nhưng cũng có thể là một người bất kỳ hoặc một cơ quan hay tổ chức nào đó. Ý chí này của người lập di chúc luôn luôn được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện, nếu đúng là ý chí tự nguyện và không trái với pháp luật.
Người lập di chúc cũng có quyền chỉ định người phân chia di sản, việc phân chia di sản phải tuân theo di chúc. Trường hợp di chúc không xác định cách phân chia di sản thì phải chia theo sự thỏa thuận của những người thừa kế. Người phân chia di sản chỉ được hưởng thù lao đối với công việc chia di sản và theo mức mà người để lại di sản đã xác định, nếu trong di chúc có cho phép hưởng thù lao. Trường hợp di chúc không xác định điều này, nhưng nếu có sự thỏa thuận của những người thừa kế thì người phân chia di sản vẫn được hưởng thù lao theo sự thỏa thuận đó. Đồng thời, người được xác định phân chia tài sản có thể từ chối công việc đó nếu muốn và trong những trường hợp này những người thừa kế tự thỏa thuận để cử ra người phân chia di sản.
Trong một số trường hợp, pháp luật quy định quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, Điều 669 BLDS quy định:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”
Tóm lại, quyền định đoạt của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ và tôn trọng nhưng chỉ có hiện lực khi việc định đoạt bằng di chúc thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 652 BLDS. Nếu người lập di chúc không tuân theo những điều kiện của di chúc hợp pháp thì di chúc đó bị xác định là không hợp pháp và mặc dù ý chí của người có tài sản được pháp luật bảo hộ và tôn trọng nhưng quyền định đoạt của người có di sản không phải là tuyệt đối. Quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc không vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật thừa kế. Quyền tự do ý chí ấy được thể hiện không những trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản mà còn thể hiện ngay cả trong việc không lập di chúc để định đoạt tài sản để lại sau khi chết. Đây là cách thể hiện ý chí của cá nhân bằng việc không lập di chúc để định đoạt tài sản của họ mà ý chí đó thể hiện ở việc chỉ để di sản cho những người có quyền thừa kế theo pháp luật.


Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM

Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488 
Email: luattritam1@gmail.com

      

Gửi liên hệ cho chúng tôi