• dichvuluat

Một số vấn đề về Quyền của người nhận di sản thừa kế

 Điều 642 BLDS quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”
Một số vấn đề về quyền của người nhận thừa kế
Quy định của pháp luật về thừa kế của nước ta quy định người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản nếu sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế phù hợp với những điều kiện mà pháp luật đã quy định. Sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định trong điều luật nêu trên quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ, hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng di sản và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật cho phép nếu phù hợp với điều kiện, nguyên tắc, thời hạn theo quy định tại Điều 642 BLDS.
Từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc cũng là sự thể hiện ý chí của người được chỉ định thừa kế theo di chúc đã không nhận thừa kế theo sự định đoạt của người để lại di sản. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau:
- Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
- Chỉ từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc
- Từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.
Theo tinh thần của điều luật này, thì việc từ chối nhận di sản được coi là một quyền năng của người được hưởng thừa kế. Tuy nhiên việc thực hiện quyền năng này chỉ được pháp luật chấp nhận trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế;  nếu quá thời hạn kể trên, người được hưởng di sản mới bày tỏ ý kiến về việc từ chối nhận di sản thì việc từ chối đó không được pháp luật chấp nhận và người đó buộc phải chấp nhận việc hưởng quyền năng của mình đó là “quyền hưởng thừa kế di sản”.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế, rất ít trường hợp người nhận di sản thực hiện việc từ chối nhận di sản trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế (tức là ngày mà người để lại di sản chết). Trong không ít trường hợp, sau khi người để lại di sản chết hàng vài năm, việc phân chia di sản mới được đặt ra (điều này là hoàn toàn phù hợp với cách xử sự truyền thống của người Việt Nam). Khi đó, tranh chấp về thừa kế mới nảy sinh, các bên đương sự đưa nhau ra tòa, yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhiều người trong số các đương sự này vì không muốn tham gia vào vụ tranh chấp hoặc vì các lý do khác đã không muốn nhận di sản thừa kế và lúc này họ mới có ý định từ chối nhận di sản. Những người này làm đơn xin Tòa án cho phép họ từ chối nhận di sản (tức là họ từ bỏ một quyền năng của mình). Nếu Tòa án chấp nhận thì sẽ vi phạm quy định về thời hạn từ chối di sản theo Điều 642 Bộ luật dân sự. Nếu Tòa án không cho họ thực hiện quyền năng này, rõ ràng ý chí định đoạt quyền năng của họ đã không được đảm bảo.
Phải khẳng định rằng, quyền thừa kế đối với một khối di sản nhất định về bản chất cũng là một quyền tài sản. Người có quyền năng này cũng chính là chủ sở hữu của khối tài sản đó. Theo Điều 195 Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản thuộc sở hữu của mình, tức là có quyền chuyển nhượng, tặng cho hoặc thậm chí từ bỏ quyền sở hữu của mình. Như vậy, việc cho phép người được hưởng di sản thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế là hoàn toàn hợp lý. Việc thực hiện quyền năng này ngoài thời hạn 06 tháng (nếu không phải để trốn tránh một nghĩa vụ tài sản) thì hoàn toàn không “gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự.
Rõ ràng, chưa có sự thống nhất trong quy định của các Điều 642, Điều 195 và Điều 165 Bộ luật dân sự. Việc áp dụng một cách máy móc Điều 642 chỉ là sự làm phức tạp hóa quan hệ dân sự, gây phiền phức cho người dân, chứ chưa thực nhằm mục đích làm ổn định quan hệ xã hội. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người thừa kế, cũng như tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết nhánh chóng, kịp thời các tranh chấp về thừa kế, nên sửa đổi quy định tương ứng của BLDS theo hướng, không quy định hạn chế thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế. Đồng thời, pháp luật cũng không nên hạn chế phương thức thể hiện việc từ chối mà người từ chối có thể báo với các cơ quan Nhà nước hoặc Tòa án và những người thừa kế khác tại bất kỳ thời điểm nào trước khi di sản thừa kế được chia.


Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ TRÍ TÂM

Địa chỉ: Số 65/54 Lê Quang Đạo, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Hotline: 0963 116 488 
Email: luattritam1@gmail.com

      

Gửi liên hệ cho chúng tôi